1. Các giai đoạn của ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý nguy hiểm xảy ra ở nữ giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus HPV (Human Papillomavirus) được tìm thấy trong gần như tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, chiếm tỷ lệ 99,7%.
Trong số hơn 100 chủng virus HPV, hai chủng HPV 16 và 18 được xác định là nguyên nhân chính gây ra khoảng 70% các ca ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung chiếm 2,3% tổng số các ca ung thư, với hơn 4.000 ca mắc mới và hơn 2.000 ca tử vong vào năm 2020.
Đặc biệt ung thư cổ tử cung đang có xu hướng trẻ hóa, với nhiều ca bệnh xảy ra ở phụ nữ trên dưới 20 tuổi. Tại Việt Nam, đây là loại ung thư phổ biến thứ 8 ở phụ nữ nói chung, và đứng thứ 5 ở nhóm phụ nữ trẻ từ 15 đến 44 tuổi.
Do đó, nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả điều trị. Sau đây là 4 giai đoạn chính của bệnh dựa trên mức độ lan rộng của khối u:
Giai đoạn | Chi tiết tình trạng bệnh |
Giai đoạn I: Khối u chỉ giới hạn ở cổ tử cung |
|
Giai đoạn II: Khối u lan ra ngoài cổ tử cung nhưng chưa đến thành chậu hoặc phần dưới âm đạo. |
|
Giai đoạn III: Ung thư lan rộng đến thành chậu hoặc phần dưới âm đạo. |
|
Giai đoạn IV: Ung thư lan rộng ra ngoài vùng chậu và đến các cơ quan xa như bàng quang, trực tràng, phổi hoặc gan. |
|
2. Triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung thường diễn tiến âm thầm, không gây ra những triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu sớm mà phụ nữ cần lưu ý để phát hiện và điều trị kịp thời:
- Chảy máu âm đạo bất thường: Chảy máu có thể xảy ra giữa các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục hoặc sau khi mãn kinh. Bất kỳ hiện tượng chảy máu nào không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt bình thường đều cần được kiểm tra.
- Dịch tiết âm đạo bất thường: Tiết dịch có màu bất thường như hồng, nâu, vàng và có mùi hôi hoặc lẫn máu.
- Đau vùng chậu: Đau âm ỉ hoặc dữ dội, có thể liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi quan hệ tình dục.
- Đau khi quan hệ tình dục: Cảm giác đau hoặc khó chịu trong quá trình quan hệ tình dục. Đây là một dấu hiệu phổ biến ở giai đoạn sớm.
Những triệu chứng này thường dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề phụ khoa thông thường, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc rối loạn kinh nguyệt. Do đó, việc khám sức khỏe định kỳ và thực hiện xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) là rất quan trọng để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Đau vùng chậu âm ỉ là một trong những triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
3. Chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Chẩn đoán và điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu đóng vai trò then chốt trong việc tăng khả năng khỏi bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
3.1. Chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Sau đây là những phương pháp giúp chẩn đoán chính xác ung thư cổ tử cung:
Các phương pháp | Lợi ích |
Xét nghiệm Pap | Đây là phương pháp chính giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, giúp phát hiện các tế bào bất thường hoặc tổn thương tiền ung thư |
Xét nghiệm HPV | Kiểm tra sự hiện diện của virus HPV, đặc biệt là các chủng có nguy cơ cao gây ung thư. |
Sinh thiết | Nếu kết quả xét nghiệm Pap bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết để kiểm tra mẫu mô từ cổ tử cung. Đây thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ từ cổ tử cung để kiểm tra dưới kính hiển vi, giúp xác định chính xác có ung thư hay không |
Chụp CT, MRI hoặc nội soi | Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh này thường được sử dụng khi nghi ngờ ung thư đã lan rộng hơn giai đoạn đầu. Giúp bác sĩ đánh giá kích thước khối u, sự xâm lấn vào các cơ quan lân cận và sự di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan xa. |
3.2. Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu là rất quan trọng để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và tăng cơ hội khỏi bệnh. Các phương pháp điều trị bệnh ung thư cổ tử cung gồm:
Phẫu thuật:
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn khối u và ngăn ngừa ung thư tái phát.
- Cắt bỏ cổ tử cung (Conization): Đây là thủ thuật loại bỏ một phần nhỏ của cổ tử cung chứa khối u. Phương pháp này thường được áp dụng cho những phụ nữ trẻ tuổi vẫn muốn có con. Bác sĩ sẽ cắt bỏ một hình nón mô từ cổ tử cung, bao gồm cả vùng ung thư và một phần mô lành xung quanh.
- Cắt bỏ toàn bộ tử cung (Hysterectomy): Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể quyết định cắt bỏ toàn bộ tử cung và cổ tử cung. Phương pháp này giúp loại bỏ hoàn toàn nguy cơ ung thư tái phát, nhưng đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ không thể mang thai được nữa.
Xạ trị
Đây là phương pháp thường được áp dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại hoặc khi phẫu thuật không khả thi. Bác sĩ sẽ sử dụng tia phóng xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
Hóa trị
Hóa trị thường ít được sử dụng trong điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Tuy nhiên, nó có thể được kết hợp với xạ trị trong một số trường hợp cụ thể, chẳng hạn như khi ung thư đã lan rộng đến các hạch bạch huyết.
Phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung là một trong những phương pháp điều trị bệnh ung thư cổ tử cung
4. Các biến chứng của ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Sau đây là những biến chứng của ung thư cổ tử cung:
- Di căn: Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của ung thư cổ tử cung. Tế bào ung thư có thể lan rộng từ cổ tử cung đến các cơ quan khác trong cơ thể, chẳng hạn như phổi, gan, xương, hoặc hạch bạch huyết. Di căn làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn và làm giảm đáng kể cơ hội sống sót.
- Vô sinh: Phẫu thuật cắt bỏ tử cung – một phương pháp điều trị phổ biến cho ung thư cổ tử cung, sẽ dẫn đến vô sinh vĩnh viễn. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến những phụ nữ trẻ tuổi vẫn còn mong muốn có con.
- Tắc nghẽn niệu quản: Khi khối u ung thư phát triển lớn, nó có thể chèn ép vào niệu quản – ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, dẫn đến ứ đọng nước tiểu trong thận, gây suy thận và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
- Đau vùng chậu kéo dài: Sự lan rộng của ung thư vào các mô xung quanh cổ tử cung có thể gây ra đau vùng chậu kéo dài. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Ung thư cổ tử cung và các phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị có thể làm tổn thương mô và suy yếu hệ miễn dịch. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng vết mổ.
Đau vùng chậu kéo dài là một trong những biến chứng của ung thư cổ tử cung
5. Nguyên nhân và cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn có được những phương pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
5.1. Nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung
Nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung là nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus), đặc biệt là các chủng HPV nguy cơ cao như HPV 16 và 18. Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm:
- Quan hệ tình dục sớm và nhiều bạn tình: Quan hệ tình dục sớm làm tăng nguy cơ phơi nhiễm với HPV từ khi còn trẻ, khi cổ tử cung chưa phát triển hoàn thiện và dễ bị tổn thương hơn. Nhiều bạn tình cũng làm tăng số lần phơi nhiễm với HPV, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ nhiễm các chủng HPV gây ung thư cổ tử cung.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại nhiễm trùng HPV. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm HPV dai dẳng, một yếu tố nguy cơ chính gây ung thư cổ tử cung.
- Suy giảm miễn dịch: Hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể giúp cơ thể loại bỏ virus HPV. Còn cơ thể có hệ miễn dịch suy yếu (do HIV, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch) làm giảm khả năng này, khiến HPV tồn tại dai dẳng trong cơ thể, hình thành ung thư cổ tử cung.
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân khiến bạn gia tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung
5.2. Cách phòng ngừa:
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung là một việc làm cần thiết và quan trọng để bảo vệ sức khỏe phụ nữ. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
- Tiêm phòng HPV: Vaccine HPV có thể ngăn ngừa nhiễm các chủng HPV nguy hiểm gây ung thư cổ tử cung. Đối tượng tiêm phòng nên là bé gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi.
- Khám phụ khoa định kỳ và xét nghiệm Pap: Giúp phát hiện sớm các tế bào bất thường hoặc tổn thương tiền ung thư, từ đó điều trị kịp thời.
- Quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV, mặc dù không hoàn toàn ngăn chặn được virus.
- Ngừng hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung ở phụ nữ nhiễm HPV. Các chất độc hại trong khói thuốc lá có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và gây tổn thương tế bào cổ tử cung. Do đó, bạn nên bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe tốt hơn và ngăn ngừa ung thư cổ tử cung.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Duy trì một lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Khi có hệ miễn dịch tốt, cơ thể có khả năng tiêu diệt virus HPV nếu bị nhiễm.
Hãy tiêm phòng HPV để ngăn ngừa các chủng HPV nguy hiểm gây ung thư cổ tử cung
Như vậy, nắm rõ những triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu là rất quan trọng để giúp bạn phát hiện bệnh sớm, thăm khám kịp thời giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
Đặc biệt, hãy tiêm vaccine, thăm khám sức khỏe định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và sống vui, sống khỏe.