1. Ung thư thực quản là gì?
Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô thực quản, gồm hai loại: Biểu mô vảy và biểu mô tuyến.
Ung thư thực quản đoạn 1/3 trên và 1/3 giữa giữa hầu hết là ung thư biểu mô vảy, nhạy cảm với xạ trị và hóa trị. Đoạn 1/3 dưới hay gặp ung thư biểu mô tuyến ít nhạy cảm với xạ trị và hóa trị.
Theo thống kê của Globocan năm 2020 tại Việt Nam, ung thư thực quản là một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, với hơn 3200 ca mắc mới và hơn 3000 ca tử vong mỗi năm.
Đáng chú ý, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nhiều so với nữ giới. Điều này cho thấy ung thư thực quản là một căn bệnh nguy hiểm, đòi hỏi sự quan tâm và nhận thức cao từ cộng đồng.
Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô thực quản
2. Dấu hiệu ung thư thực quản
Một số dấu hiệu điển hình của ung thư thực quản như sau:
Ở giai đoạn đầu
Triệu chứng báo hiệu của bệnh thường không đặc hiệu, người bệnh có thể nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Các dấu hiệu thường thấy gồm:
- Khó nuốt khi ăn, nhưng nếu đồ ăn mềm, lỏng hoặc nhai kỹ vẫn có thể nuốt được.
- Cảm giác nóng rát cổ và khó chịu.
Ở giai đoạn tiến triển tại chỗ
- Khó nuốt: Khối u phát triển trong thực quản có thể gây tắc nghẽn, khiến việc nuốt thức ăn đặc trở nên khó khăn, tình trạng này ngày càng nặng hơn.
- Sụt cân: Khó nuốt, thay đổi chế độ ăn uống và sự phát triển của khối u đều có thể dẫn đến sụt cân nhanh chóng.
- Trào ngược: Nước bọt hoặc thức ăn có thể bị trào ngược lên cổ họng.
- Khàn tiếng: Nếu khối u xâm lấn dây thần kinh thanh quản quặt ngược, có thể gây khàn tiếng.
- Thiếu máu: Mất máu mạn tính từ khối u có thể dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt.
- Xuất huyết tiêu hóa: Một số bệnh nhân có thể nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc trào ngược dịch có máu. Xuất huyết tiêu hóa ồ ạt có thể xảy ra khi khối u ăn mòn các động mạch lớn như động mạch chủ, phổi hoặc phế quản.
- Viêm phổi do trào ngược: Thức ăn hoặc dịch dạ dày trào ngược vào phổi có thể gây viêm phổi.
- Dò khí quản: Đây là một biến chứng muộn, xảy ra khi ung thư xâm lấn trực tiếp từ thực quản vào khí quản (đường thở). Bệnh nhân bị ho không kiểm soát và thường xuyên bị viêm phổi. Thời gian sống của bệnh nhân mắc biến chứng này chỉ dưới 4 tuần.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh là có cảm giác thức ăn dính, khó nuốt
3. Đối tượng nguy cơ mắc ung thư thực quản
Ung thư thực quản có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do các yếu tố nguy cơ sau:
3.1 Tuổi – Giới
Nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản tăng theo tuổi tác, khoảng dưới 15% các ca mắc ở độ tuổi dưới 55. Ngoài liên quan tuổi tác thì giới tính cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ mắc ung thư thực quản, thường gặp ở nam giới hơn, với tỷ lệ nam: nữ là 4:1.
3.2 Thuốc lá và rượu bia
Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá như: thuốc lá điếu, xì gà, hút tẩu hay thuốc lá nhai là một nguy cơ chính của thư thực quản. Những người hút thuốc lá càng nhiều và hút trong một thời gian dài thì nguy cơ mắc ung thư thực quản càng cao.
Sử dụng rượu bia cũng làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Uống rượu bia thường xuyên và với số lượng càng nhiều thì nguy cơ ung thư thực quản càng cao. Rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô vảy hơn so với ung thư biểu mô tuyến ở thực quản.
Uống rượu nhiều sẽ có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn người bình thường
3.3 Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Khi hoạt động bình thường, dạ dày tiết ra axit mạnh và các enzym để giúp tiêu hóa thức ăn. Ở một số người, axit có thể thoát ra khỏi dạ dày, đi ngược lên vào đoạn dưới của thực quản, dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày.
Những người bị trào ngược làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, đặc biệt là ung thư biểu mô tuyến. Trào ngược cũng có thể gây ra Barrett thực quản, đây là yếu tố nguy cơ cao hơn gây nên ung thư thực quản.
3.4 Béo phì
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản – tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản, ảnh hưởng không tốt đến niêm mạc thực quản. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi tế bào và phát triển thành ung thư biểu mô tuyến thực quản.
3.5 Chế độ ăn
Một số chất trong chế độ ăn uống, đặc biệt là thịt chế biến sẵn, có thể chứa các hợp chất gây ung thư, gây tổn thương tế bào niêm mạc thực quản và tăng nguy cơ ung thư. Các nước phát triển có tỷ lệ tiêu thụ thịt chế biến sẵn cao hơn, do đó tỷ lệ ung thư biểu mô tuyến thực quản cũng cao hơn.
Béo phì và chế độ ăn uống không lành mạnh tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản
3.6 Co thắt tâm vị (Achalasia)
Co thắt tâm vị (Achalasia) là tình trạng rối loạn chức năng mà cơ vòng đoạn dưới thực quản không giãn mở ra hoàn toàn. Khi đó, thức ăn bị ứ đọng lại ở thực quản, lâu dần khiến niêm mạc thực quản bị kích thích và dẫn tới ung thư.
3.7 Tổn thương thực quản
Vô tình uống phải chất tẩy rửa làm từ dung dịch kiềm có thể gây bỏng hóa chất ở thực quản một cách nghiêm trọng. Khi tổn thương lành, các mô sẹo có thể khiến thực quản bị hẹp lại. Những người này có nguy cơ cao bị bệnh ung thư biểu mô tế bào vảy ở thực quản.
4. Các giai đoạn ung thư thực quản
Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản, các bác sĩ sẽ thăm khám để đánh giá tình trạng của bệnh ung thư với 4 giai đoạn sau:
Giai đoạn bệnh | Tình trạng |
Ung thư thực quản giai đoạn 1 | Tế bào ung thư nằm ở lớp trên cùng của thành thực quản |
Ung thư thực quản giai đoạn 2 | Tế bào ung thư xâm lấn ra các bạch huyết ở khu vực lân cận, nhưng chưa ảnh hưởng tới các bộ phận khác |
Ung thư thực quản giai đoạn 3 | Trong vùng cạnh thực quản, tế bào ung thư đã xâm lấn tổ chức và bạch huyết, ảnh hưởng đến lớp sâu hơn của thành thực quản |
Ung thư thực quản giai đoạn 4 | Tế bào ung thư đã xâm lấn và ảnh hưởng đến các bộ phận như: gan, phổi, não, xương |
5. Nguyên nhân gây ung thư thực quản
Nguyên nhân gây ung thư thực quản chưa được làm rõ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia một số yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ gây bệnh gồm: ,
- Hút thuốc: Với những người thường xuyên hút thuốc lá tỷ lệ mắc ung thư thực quản (dạng biểu mô vảy thực quản) cao hơn người bình thường.
- Tuổi: Những người trên 50 tuổi khả năng mắc ung thư thực quản cao hơn vì ở độ tuổi này sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh.
- Giới tính: Nam giới có nhiều thói quen kém lành mạnh như: hút thuốc, uống rượu bia nên khả năng mắc bệnh cao hơn so với nữ giới.
- Người uống nhiều rượu bia: Sử dụng rượu bia thường xuyên và với lượng lớn làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy thực quản.
- Người thừa cân, béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản – một yếu tố nguy cơ của ung thư biểu mô tuyến thực quản.
- Người mắc các bệnh lý thực quản: Bao gồm co thắt tâm vị, loét thực quản kéo dài, trào ngược dạ dày, bệnh lý thực quản: Barrett…
- Một số yếu tố di truyền như: Bệnh Barrett thực quản gia đình, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Bloom, thiếu máu Fanconi…sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản.
- Người thường xuyên ăn đồ cay nóng, đồ muối chua, đồ ăn nhanh hay thực phẩm chứa chất nitrosamine…có thể gây kích ứng và tổn thương niêm mạc thực quản.
- Người có tiền sử ung thư vùng hầu họng: Có nguy cơ cao hơn mắc ung thư thực quản, do có thể có chung các yếu tố nguy cơ.
Hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây ung thư thực quản
6. Chẩn đoán và phác đồ điều trị ung thư thực quản
Sau đây là các cách chẩn đoán và phác đồ điều trị ung thực thực quản hiệu quả:
6.1. Chẩn đoán bệnh ung thư thực quản
Chẩn đoán ung thư thực quản qua các triệu chứng lâm sàng và những xét nghiệm chuyên sâu. Cụ thể như sau:
6.1.1. Triệu chứng lâm sàng
Giai đoạn sớm các triệu chứng không đặc hiệu, thỉnh thoảng có nuốt vướng và một số dấu hiệu điển hình sau:
- Khó nuốt tăng dần: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, thường xuất hiện sau 3 – 4 tháng. Người bệnh cảm thấy thức ăn bị mắc kẹt, khó nuốt, đặc biệt là thức ăn đặc.
- Đau khi nuốt: Cơn đau thường xuất hiện sau xương ức. Nếu khối u ở phần dưới thực quản, có thể gây đau bụng hoặc đau lan sau lưng, đau cằm, tai.
- Các triệu chứng phối hợp: Bao gồm nôn mửa, dễ sặc khi ăn uống, tăng tiết nước bọt.
- Các dấu hiệu tiến triển, xâm lấn:
- Chảy máu thực quản: Người bệnh có thể nôn ra máu, đi ngoài phân đen.
- Viêm phổi: Gây nên tình trạng thở rít, ho nhiều, mệt mỏi.
- Ho dai dẳng: Ho nhiều, cơn ho dài do rò thực – phế quản.
- Nói khó: Khối u chèn dây thần kinh thanh quản khiến người bệnh phát âm khó khăn.
- Hội chứng Horner: Do khối u phát triển và chèn vào các dây thần kinh giao cảm ở cổ, gây nên hội chứng Horner, khiến người bệnh bị co đồng tử, sụp mí mắt.
- Chèn ép tĩnh mạch chủ trên: Khối u xâm lấn vào tĩnh mạch chủ trên, gây tắc nghẽn dòng máu từ đầu và cổ trở về tim, dẫn đến phù mặt, cổ và cánh tay.
- Chảy máu nhiều bởi vì ung thư thực quản đã xâm lấn vào động mạch chủ.
- Các dấu hiệu di căn: Gan to, xuất hiện các hạch ở cổ, tràn dịch màng phổi, đau nhức xương, đái ra máu.
- Triệu chứng toàn thân có thể gặp: Bệnh nhân gầy, sút cân nhanh, cơ thể mệt mỏi, da khô sạm,…
Bác sĩ dựa vào các triệu chứng ban đầu như nuốt nghẹn tăng dần để chẩn đoán ung thư thực quản
6.1.2. Cận lâm sàng
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng các phương pháp thăm khám chuyên sâu sau:
Phương pháp | Lợi ích | Chẩn đoán tình trạng bệnh/Nội dung |
Nội soi thực quản ống mềm | Giúp quan sát trực tiếp hình ảnh khối u |
|
Siêu âm nội soi thực quản | Giúp đánh giá tổn thương và xem tình trạng tế bào ung thư đã xâm lấn, di căn vào hạch cạnh thực quản |
|
Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI) | Để đánh giá tổn thương di căn và mức độ xâm lấn của khối u |
|
Chụp X- quang thực quản | Giúp đánh giá tổn thương của thực quản | Hình ảnh đọng thuốc, giãn đoạn trên tổn thương |
Xạ hình xương | Sử dụng máy SPECT, SPECT/CT | Hình ảnh xương xốp: nốt khuyết xương ở vị trí xương sườn, cột sống, cánh chậu, bả vai… |
Chụp PET/CT | Giúp chẩn đoán u nguyên phát và giai đoạn bệnh hoặc điều trị |
|
Xét nghiệm HER-2 | Giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp | Nếu HER2 (+++) trên hóa mô miễn dịch hoặc xét nghiệm FISH hoặc CISH dương tính thì bệnh nhân có thể sử dụng thuốc điều trị đích trastuzumab (Herceptin) |
Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u (Tumor marker) | Nhằm theo dõi hiệu quả điều trị, phát hiện bệnh tái phát |
|
Xét nghiệm sinh học phân tử | Giúp xác định chính xác loại ung thư và các đặc điểm phân tử để sĩ đưa ra quyết định điều trị phù hợp hơn |
|
6.2. Phác đồ điều trị:
Phác đồ điều trị bệnh ung thư thực quản, sẽ phụ thuộc vào giai đoạn và tình trạng của bệnh. Bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp sau để điều trị ung thư thực quản:
Ung thư thực quản có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật
- Đối với ung thư thực quản 1/3 dưới, 1/3 giữa: tiến hành phẫu thuật cắt đoạn thực quản theo phương pháp Akiyama, Lewis Santy và phương pháp khác.
- Đối với ung thư thực quản 1/3 trên: phẫu thuật rất khó khăn, nguy cơ tai biến cao.
- Phẫu thuật mở thông dạ dày nuôi dưỡng (phẫu thuật mở hoặc qua nội soi).
- Cắt hớt niêm mạc thực quản (ER hoặc ESD) và cắt lạnh hoặc đốt sóng cao tần qua nội soi áp dụng cho những ung thư thực quản giai đoạn sớm (Tis hoặc T1a).
- Chỉ định cắt u qua nội soi (EMR, ESD, RFA, Cryoablation).
- Ung thư giai đoạn Tis, pT1a (≤2cm) hoặc pT1b (≤2cm) biệt hóa vừa hoặc cao không có xâm lấn mạch thần kinh và chưa di căn hạch.
- Các tổn thương bề mặt (≤2cm) của thể Tis, loạn sản độ cao (HGD) hoặc bệnh Barrett có tổn thương loạn sản được cắt EMR qua nội noi.
- Các tổn thương bề mặt lớn >2cm cũng có thể điều trị hiệu quả bằng EMR nhưng nguy cơ biến chứng cao hơn. Do vậy những tổn thương này được cắt tổn thương đơn thuần.
Phẫu thuật là một trong những phương pháp được chỉ định khi mắc ung thư thực quản
Ung thư thực quản giai đoạn không mổ được
Đối với ung thư thực quản giai đoạn không mổ được, các phương pháp điều trị thường dùng là xạ trị, hoá trị, miễn dịch. Nhiều trường hợp tân bổ trợ, bệnh đã giảm xuống thành giai đoạn mổ được. Hoá xạ đồng thời là điều trị chuẩn cho giai đoạn này.
- Xạ trị đơn thuần: Với u và hạch di căn liều 60-70Gy, phân liều 2Gy/ngày. Xạ trị hạch dự phòng 50Gy.
- Hóa xạ đồng thời: 54Gy, phân liều 2Gy/ngày hoặc 50,4Gy phân liều 1,8Gy/ngày, có thể tăng thêm liều vào u lên tới 60Gy.
- Mô phỏng: Chụp mô phỏng bằng CT, MRI hoặc tốt nhất bằng PET/CT, PET/MRI
- Xạ trị áp sát vào khối u hoặc diện u: Trong các trường hợp không phẫu thuật triệt căn hoặc bệnh lý kèm theo không thể phẫu thuật hay bệnh nhân nhất định từ chối phẫu thuật. Ngoài ra, xạ trị áp sát còn được chỉ định tăng liều khối u sau xạ trị chiếu ngoài.
Ung thư thực quản giai đoạn muộn và có di căn xa
- Điều trị nuốt nghẹn: nong, đặt stent nòng thực quản hay xạ trị triệu chứng chống chèn ép.
- Điều trị tổn thương di căn:
- Di căn não (≤3 ổ: xạ phẫu bằng dao gamma quay; ≥3 ổ: xạ trị gia tốc toàn não liều 40Gy, 2Gy/ngày hoặc 30Gy, 3Gy/ngày).
- Di căn xương: dùng pamidronat, acid zoledronic…
- Hóa chất toàn thân: Hay còn gọi là hóa trị, là phương pháp điều trị ung thư sử dụng các loại thuốc hóa học để tiêu diệt tế bào ung thư trên toàn bộ cơ thể.
- Điều trị đích trong ung thư thực quản: Sử dụng Trastuzumab trong ung thư thực quản giai đoạn tiến triển; tái phát; thất bại với các biện pháp điều trị khác; HER2 dương tính.
Điều trị triệu chứng, dinh dưỡng cho bệnh nhân:
- Mở thông dạ dày nuôi ăn bằng sonde: Đây là phương pháp cung cấp dinh dưỡng trực tiếp vào dạ dày hoặc ruột non thông qua một ống thông (sonde), áp dụng cho bệnh nhân gặp khó khăn trong ăn uống.
- Dinh dưỡng bằng đường truyền: Cung cấp dinh dưỡng trực tiếp vào tĩnh mạch và thường được sử dụng khi bệnh nhân không thể dung nạp nuôi ăn qua đường tiêu hóa hoặc khi cần cung cấp dinh dưỡng trong thời gian ngắn.
- Ăn uống bình thường: Thức ăn nhiều dinh dưỡng mềm, xay nhuyễn, ăn nhiều bữa trong ngày, truyền tĩnh mạch thêm các loại dịch dinh dưỡng bổ sung. Nếu bệnh nhân không ăn được, tốt nhất nên nuôi dưỡng qua đường mở thông dạ dày hoặc ruột non.
- Cho các loại thuốc bọc niêm mạc thực quản, thuốc ức chế bài tiết dịch vị chống viêm loét niêm mạc thực quản.
Sử dụng các đồ ăn mềm lỏng để cung cấp dinh dưỡng cho người bệnh ung thư thực quản (nếu người bệnh vẫn có thể ăn uống được)
7. Cách phòng ngừa ung thư thực quản
Ung thư thực quản là một bệnh lý nguy hiểm, bạn nên áp dụng các biện pháp sau để phòng ngừa bệnh hiệu quả:
- Không hút thuốc lá: Bởi vì trong khói thuốc lá có chứa các chất kích thích độc hại gây kích thích tế bào ung thư thực quản.
- Hạn chế lạm dụng uống bia rượu: Sử dụng rượu, bia trong thời gian dài sẽ hủy hoại niêm mạc thực quản và gây ra các bệnh dạ dày.
- Áp dụng chế độ ăn khoa học: Chế độ ăn uống nhiều rau quả, trái cây để bổ sung nhiều chất xơ, đạm và protein giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, nâng cao đề kháng.
- Tránh xa các đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán nhiều lần, đồ cay nóng…cũng giúp ngăn ngừa tổn thương ở thực quản, phòng ung thư thực quản hiệu quả.
- Duy trì trọng lượng hợp lý và có chế độ sinh hoạt khoa học: Áp lực công việc, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, stress… là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở dạ dày – thực quản trong đó có ung thư.
Do đó, bạn nên có thời gian biểu khoa học, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress kéo dài ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Chế độ ăn uống khoa học, nhiều rau củ, trái cây để ngăn ngừa bệnh ung thư thực quản
Ung thư thực quản là một bệnh lý ác tính nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tầm soát ung thư là yếu tố quan trọng nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ…
Do đó, bạn nên tới các cơ sở uy tín như Mirai Healthcare để thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi thấy dấu hiệu nghi ngờ giúp kịp thời phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả.