Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa bệnh không lây nhiễm: "là các bệnh không lây, tiến triển mạn tính, không lây từ người sang người. Bệnh có diễn biến trong thời gian dài và chậm". Theo TS.BS Phan Văn Mạnh - Phó Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh Quân đội của Học viện Quân y, để dự phòng các bệnh lối sống, chúng ta cần thay đổi từ những thói quen nhỏ trong cuộc sống, cụ thể là những thói quen sau:
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.
Một chế độ ăn uống lành mạnh giảm carbohydrate (tinh bột), protein tăng và hạn chế dầu mỡ có thể ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc các bệnh lối sống. Giảm lượng carbohydrate có thể điều chỉnh lượng đường trong máu giúp phòng ngừa bệnh tiểu đường típ 2 và béo phì.
Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần.
Hoạt động thể chất thường xuyên giúp duy trì cân nặng hợp lý, giảm nguy cơ béo phì, tăng cường tuần hoàn máu, điều chỉnh huyết áp giúp hệ tim mạch và hệ hô hấp luôn ở trạng thái khoẻ mạnh.
Uống đủ nước, ưu tiên nước lọc.
Uống đủ nước giúp phòng ngừa sỏi thận, nhiễm trùng tiết niệu và táo bón, hạn chế các loại nước ép trái cây có chỉ số đường huyết (GI) cao, các loại nước ngọt có gas.
Ngủ đủ giấc.
Ngủ đủ giấc hỗ trợ nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm điều hòa hệ thống miễn dịch, sản xuất hormone... Thiếu ngủ và chất lượng giấc ngủ kém có liên quan đến nguy cơ béo phì, làm tăng nguy cơ kháng insulin và tiểu đường, bệnh tim mạch và nhiều rối loạn sức khỏe tâm thần.
Không hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử).
Hút thuốc có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến sức khỏe (làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh như COPD, ung thư phổi, bệnh lý tim mạch, đột quỵ và các ung thư vùng đầu mặt cổ...). Hút thuốc gây những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản và có thể gây ra các biến chứng trong thai kỳ nếu người mẹ hút thuốc.
Quản lý căng thẳng tốt hơn.
Quản lý căng thẳng là tất cả về việc kiểm soát: suy nghĩ, cảm xúc, lịch trình, môi trường và cách bạn giải quyết vấn đề. Mục tiêu cuối cùng là một cuộc sống cân bằng, có thời gian cho công việc, các mối quan hệ, thư giãn và vui chơi và nâng cao khả năng chịu đựng áp lực và đương đầu với thử thách.
Căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến tăng huyết áp, suy yếu hệ thống miễn dịch, mất cân bằng nội tiết tố....Ngoài ra, tiếp xúc lâu dài với các hormone gây căng thẳng như Cortisol có thể góp phần gây ra các tình trạng như bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường típ 2 và các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Các kỹ thuật quản lý căng thẳng hiệu quả như tập thể dục, thiền, hít thở sâu và tích cực tham gia các hoạt động theo sở thích...