Ngày 14/ 11 hàng năm được Liên hiệp quốc và Tổ chức Y tế thế giới chọn làm Ngày Đái tháo đường Thế giới để kỷ niệm ngày sinh F. Banting - người phát minh ra insulin năm 1922 – loại thuốc đái tháo đường cứu mạng hàng trăm triệu người.
Ngày Đái tháo đường Thế giới được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh nguy hiểm này.
Chủ đề của Ngày Đái tháo đường Thế giới năm 2024 là “Hiểu nguy cơ của bạn để phòng bệnh”. Thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu rõ nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, từ đó có những biện pháp phòng ngừa kịp thời để duy trì sức khỏe.
Đây là dịp để mỗi người nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc phòng ngừa và điều trị sớm. Thay vì chờ đợi đến khi phát bệnh, việc tìm hiểu và giảm thiểu các yếu tố nguy cơ là một cách tiếp cận chủ động, giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và biến chứng.
Vào những năm cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, đái tháo đường (tiểu đường) trở thành bệnh không lây nhiễm có tốc độ phát triển nhanh nhất Thế giới. Bệnh có nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư hoặc thứ năm ở các nước phát triển; nó được xem như là “đại dịch” ở các nước đang phát triển. Trong số này, đa số là tiểu đường típ 2 (sự bùng nổ của tiểu đường típ 2). Những biến chứng của bệnh vẫn đang là thách thức lớn đối với cộng đồng.
Bệnh tiểu đường típ 2 diễn tiến âm ỉ và nhiều khi bệnh nhân mới được chẩn đoán mà đã có biến chứng của bệnh, thậm chí có những bệnh nhân lần đầu tiên được chẩn đoán bệnh thì đã mắc phải những biến chứng nặng nề của bệnh đái tháo đường.
Do đó, phát hiện sớm bệnh tiểu đường tip 2 giúp làm giảm bớt gánh nặng điều trị, giảm mức độ trầm trọng của bệnh và phòng chống một cách hiệu quả những biến chứng mạn tính nặng nề của đái tháo đường.
Theo TS.BS. Phan Văn Mạnh, các đối tượng sau nên được tầm soát tiểu đường sớm:
- Mọi đối tượng trên 45 tuổi, nhất là những người thừa cân hay béo phì (có BMI > 25 kg/m2).
- Có các dấu hiệu sau đây: mờ mắt, thường xuyên cảm thấy đói và khát nước, sụt cân nhanh không cố tình.
- Có bệnh lý Tăng huyết áp.
- Có rối loạn chuyển hoá lipid máu (tăng Triglyceride, tăng Cholesterol toàn phần, giảm HDL-C, tăng LDL-C).
- Có tiền sử đái tháo đường thai kỳ (đái tháo đường trong khi mang thai) hoặc sinh con nặng hơn ~4.5 kg.
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường.
- Phụ nữ được chẩn đoán có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
- Có lối sống tĩnh tại, ít vận động.
- Có tiền sử bị các bệnh về mạch máu.
- Là người Mỹ da đen, người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc La tinh/Tây Ban Nha, người Mỹ bản địa hoặc người dân đảo Thái Bình Dương.
Việc phòng ngừa đái tháo đường không chỉ giúp mỗi cá nhân có cuộc sống khỏe mạnh mà còn giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống y tế và xã hội. Hãy cùng chung tay nâng cao nhận thức, hiểu rõ nguy cơ của bản thân và thực hiện các biện pháp phòng ngừa từ hôm nay!