Khám sức khỏe theo thông tư 14 - hiện tại là theo Thông tư 32 đề cập đến rất nhiều nội dung, bạn có thể đọc chi tiết để tham khảo. Dưới đây là tóm tắt một số nội dung liên quan đến việc khám sức khỏe của Thông tư 32 (Chương VI – Tiêu chuẩn và việc khám sức khỏe) mà bạn cần nắm rõ.
Đối tượng áp dụng khám sức khỏe
Thông tư này áp dụng trên những đối tượng sau:
- Công dân Việt Nam, người nước ngoài đang sống, làm việc ở Việt Nam. Thông tư áp dụng cho hoạt động khám sức khỏe định kỳ; khám phân loại sức khỏe trước khi vào học, đi làm việc; khám sức khỏe cho học sinh, sinh viên.
- Khám sức khỏe cho người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Khám sức khỏe theo yêu cầu của người dân.
Đối tượng loại trừ
Chương VI - Thông tư 32 sẽ không áp dụng việc khám sức khỏe trong các trường hợp gồm:
- Khám bệnh nội trú, ngoại trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
- Khám giám định y khoa, giám định pháp y hoặc giám định pháp y tâm thần.
- Thăm khám để lấy giấy xác định chấn thương.
- Thăm khám bệnh nghề nghiệp.
- Khám sức khỏe đối với đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
- Khám sức khỏe đối với các ngành, nghề đặc thù.
Chi phí khám sức khỏe theo Thông tư 14 - cập nhật Thông tư 32
Chi phí khám sức khỏe Thông tư 32 được hướng dẫn như sau:
- Tổ chức, cá nhân tham gia khám cần trả chi phí theo mức giá dịch vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc theo thỏa thuận giữa 2 đơn vị, trừ các trường hợp được miễn hoặc giảm theo quy định của pháp luật.
- Nếu có yêu cầu cấp từ 2 giấy khám sức khỏe trở lên, phải nộp thêm phí cấp giấy khám sức khỏe theo quy định.
- Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng kinh phí khám sức khỏe của các cơ sở sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật
Hồ sơ, quy trình, nội dung khi đi khám sức khỏe theo Thông tư 14 - cập nhật Thông tư 32
Trong Chương VI Thông tư 32, một số nội dung được bổ sung và quy định rõ ràng hơn so với Thông tư 14. Bài viết sẽ tóm tắt để bạn dễ dàng cập nhật và tham khảo.
Hồ sơ khám sức khỏe
Người đi khám sức khỏe định kỳ theo Thông tư 32 sẽ sử dụng hồ sơ khám sức khỏe theo mẫu mới theo các Phụ lục XXIV-XXVI:
- Người đủ 18 tuổi trở lên: Giấy khám sức khỏe theo mẫu số 01 của Phụ lục XXIV của Thông tư có dán ảnh 4x6 trên nền trắng.
- Người chưa đủ 18 tuổi: Giấy khám sức khỏe theo mẫu số 02 của Phụ lục XXIV của thông tư có dán ảnh 4x6 trên nền trắng.
- Người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự: Giấy khám sức khỏe quy định theo 1 trong 2 mẫu trên và có văn bản đồng ý của thân nhân.
- Người được khám sức khỏe định kỳ: Sổ khám sức khỏe định kỳ, giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc hoặc có tên trong danh sách khám sức khỏe định kỳ do cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc xác nhận.
Quy trình khám sức khỏe đúng với quy định của Thông tư 14 - cập nhật Thông tư 32
Khi đến khám sức khỏe theo Thông tư 32, người lao động đến nộp hồ sơ khám sức khỏe theo mẫu. Sau đó, cơ sở y tế thực hiện theo quy trình sau:
- Đối chiếu ảnh trong hồ sơ với người đến khám.
- Đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã đối chiếu.
- Kiểm tra, đối chiếu giấy tờ tùy thân hợp lệ của thân nhân đối với trường hợp người khám là người mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Hướng dẫn quy trình khám sức khỏe cho người được khám hoặc người giám hộ.
- Xây dựng, ban hành và thực hiện quy trình khám sức khỏe.
- Trả kết quả và lưu lại hồ sơ khám sức khỏe.
Việc cấp và lưu giấy khám sức khỏe theo Thông tư 32
Sau khi hoàn tất các thủ tục, giấy khám sức khỏe sẽ được cấp theo quy định sau:
- Giấy khám sức khỏe cấp 1 bản cho người khám và 1 bản lưu lại cơ sở y tế.
- Nếu người khám sức khỏe yêu cầu cấp nhiều giấy khám sức khỏe thì cơ sở thực hiện nhân bản theo quy định.
- Thời hạn trả giấy khám sức khỏe và sổ khám sức khỏe định kỳ: Trong vòng 24 giờ với trường hợp đơn lẻ; còn với tập thể, cơ quan sẽ tuân thủ theo hợp đồng.
- Thời hạn của giấy khám sức khỏe: 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe.
Nội dung có trong danh mục khám sức khỏe theo Thông tư 14 và Thông tư 32
Thông tư 32 mới có quy định về cả nội dung khám sức khỏe và khám định kỳ. Tuy nhiên dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin được quan tâm, sử dụng nhiều nhất là khám sức khỏe cho người đủ 18 tuổi trở lên.
Khám thể lực
Khám thể lực ở người đủ 18 tuổi trở lên gồm:
- Chiều cao
- Cân nặng
- Chỉ số BMI
- Mạch
- Huyết áp
- Phân loại thể lực
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng cho người đến khám sức khỏe theo Thông tư 32 không khác biệt nhiều so với Thông tư 14. Người đến khám sẽ được khám lâm sàng những hạng mục sau:
- Khám nội tổng quát: Tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thận - tiết niệu, nội tiết, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần.
- Khám ngoại khoa, da liễu
- Tai - mũi - họng
- Răng - hàm - mặt
- Khám mắt: Đo thị lực, loạn, cận thị, các bệnh về mắt...
- Khám sản phụ khoa.
Chỉ định cận lâm sàng
Ngoài khám lâm sàng, những đối tượng tham gia khám sức khỏe còn được thực hiện các cận lâm sàng, cụ thể bao gồm:
- Chụp X - quang tim, phổi thẳng
- Xét nghiệm công thức máu (Số lượng hồng cầu, số lượng bạch cầu, số lượng tiểu cầu), sinh hóa máu (đường máu, chỉ số Ure, Creatinin, GOT, GPT)
- Phân tích nước tiểu: Đường, Protein...
Lưu ý khi khám sức khỏe theo Thông tư 32
Việc thực hiện khám sức khỏe theo Thông tư 14 hiện nay đã được chuyển sang áp dụng theo Thông tư 32. Để quá trình thăm khám diễn ra thuận lợi, bạn cần chú ý một số điều sau:
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ tùy thân cần thiết để quá trình làm thủ tục diễn ra nhanh chóng.
- Nếu đang mắc bệnh hoặc điều trị, bạn nên mang theo hồ sơ bệnh án, các loại thuốc đang sử dụng. Như vậy, bác sĩ sẽ dễ dàng chẩn đoán, đưa ra hướng điều trị phù hợp.
- Bạn không cần lo lắng khi đi khám sức khỏe, hãy giữ tinh thần lạc quan, thoải mái.
- Không sử dụng các chất kích thích, rượu bia, hút thuốc lá, không ăn quá no, ăn đồ cay nóng trước khi đi khám. Bởi một số xét nghiệm sẽ cần bạn nhịn ăn, nhịn tiểu, uống nhiều nước, bạn nên cần chú ý.