PHÒNG TRÁNH NGUY CƠ ĐỘT QUỴ MÙA NẮNG NÓNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI

Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi dẫn đến đột quỵ, đặc biệt đối với người cao tuổi.

 Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi dẫn đến đột quỵ, đặc biệt đối với người cao tuổi (NCT) vì nhiều lý do: giảm khả năng thích nghi, giảm khả năng điều hòa của cơ thể khi nhiệt độ môi trường tăng cao hoặc thân nhiệt đột ngột thay đổi; tình trạng bệnh lý mạn tính đang mắc có thể tiến triển nặng lên khi nhiệt độ môi trường tăng cao, đặc biệt là các bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường...  

Theo thông tin từ bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, số bệnh nhân đột quỵ nhập viện từ đầu tháng 1/2024 cho đến nay là 1.648 ca, tăng 131 ca so với cùng kỳ năm trước. Những ngày nắng nóng vừa qua, bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cũng tiếp nhận và điều trị 1.581 ca đột quỵ, tăng gần 500 ca so với năm 2023, chủ yếu là NCT.  

Nắng nóng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, bài tiết nhiều mồ hôi gây mất nước. Nếu không được bổ sung nước kịp thời sẽ khiến máu bị cô đặc, giảm độ nhớt và giảm thể tích máu lưu hành vì vậy máu lưu thông kém, tăng nguy cơ thiếu máu não. 

Khi bị đột quỵ do nắng nóng sẽ có những biểu hiện điển hình như:  

- Đau đầu, choáng váng, hoa mắt. 

- Thở nông. 

- Da mặt đỏ ửng, bề mặt da nóng và khô, có thể không có mồ hôi mặc dù trời nóng. 

- Mạch quay cổ tay đập nhanh, nhưng khó bắt và khó đếm. 

- Có thể kèm theo chuột rút tại các bắp cơ như bắp chân. 

- Có thể co giật hoặc ngất xỉu. 

- Thân nhiệt tăng cao, có thể tới 40-41 độ C. 

Phòng tránh nguy cơ đột quỵ trong thời tiết nắng nóng 

Theo bác sĩ Phan Văn Mạnh - Phó Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh Quân đội - Học viện Quân y, bác sĩ Nội Tổng hợp tại Phòng khám Đa khoa Mirai, để phòng tránh nguy cơ đột quỵ trong thời tiết nắng nóng, NCT cần: 

- Không ra ngoài vào thời điểm nắng gắt như giữa trưa và đầu giờ chiều. Nếu phải ra ngoài nên che chắn cẩn thận bằng cách mặc áo chống nắng, đội mũ nón rộng vành, di chuyển trên đường có bóng râm…Tốt nhất là sử dụng phương tiện di chuyển có điều hòa như tàu điện, xe bus… 

- Cung cấp đủ nước cho cơ thể từ 1,5-2 lít nước mỗi ngày. Trong những đợt nắng nóng, NCT nên uống nước đun sôi để nguội và các loại nước trái cây (dừa, nước ép quả chín như nước ép dứa, táo, cam…) thường xuyên. Trong khi uống nước không nên uống nhiều quá và không được uống quá nhanh. NCT tránh uống rượu cũng như các loại nước uống có chất kích thích trong những ngày thời tiết nóng bức. 

- Các bữa ăn phải đảm bảo nguyên tắc: dinh dưỡng cân đối, đa dạng, tăng cường nước canh và rau xanh mềm, dễ tiêu hóa (không ăn nhiều chất xơ). Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày thành các bữa chính và bữa phụ. 

- Những ngày trời nóng bức không nên tập thể dục buổi chiều, có thể tập nhẹ nhàng vào buổi sáng hoặc khi thời tiết đã mát và có gió nhẹ. Sau khi tập luyện phù hợp, không được tắm ngay, phải nghỉ ngơi khoảng 30 phút cho ráo mồ hôi, nhịp tim trở về bình thường. 

- Kiểm tra huyết áp và dùng thuốc theo đơn (nếu có bệnh lý tăng huyết áp) đúng liều lượng mà bác sĩ đã kê đơn.