Bệnh tuyến giáp rất đa dạng, và ở phụ nữ mang thai, những thay đổi sinh lý trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan, ảnh hưởng đến 1-2% số phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
Trong 10-12 tuần đầu tiên của thai kỳ, sự phát triển của thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào chức năng tuyến giáp của mẹ. Sau ba tháng đầu, cơ thể của thai nhi bắt đầu tự sản xuất hormone tuyến giáp, nhưng vẫn cần đến lượng i-ốt mà mẹ cung cấp qua chế độ ăn. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị phụ nữ mang thai nên bổ sung 200 mcg i-ốt mỗi ngày để duy trì chức năng tuyến giáp.
Phụ nữ mang thai dễ mắc các bệnh lý tuyến giáp do:
- Thay đổi hormone: Khi mang thai, cơ thể mẹ sẽ sản xuất hai hormone chính là βhCG (human chorionic gonadotropin) và estrogen. Việc gia tăng βhCG trong ba tháng đầu có thể dẫn đến giảm nhẹ hormone TSH (thyroid-stimulating hormone), gây ra tình trạng cường giáp cận lâm sàng.
- Thay đổi kích thước: Tuyến giáp có thể thay đổi kích thước trong quá trình mang thai, tăng lên khoảng 10-15%, gây ra hiện tượng bướu cổ. Tình trạng này thường phổ biến hơn ở những phụ nữ sống ở vùng thiếu i-ốt.
Cứ 8 phụ nữ thì có 1 người có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp, đặc biệt phụ nữ mang thai có nguy cơ cao hơn do sự thay đổi nội tiết tố. Trong thời gian mang thai, phụ nữ có thể gặp phải các rối loạn chức năng tuyến giáp như cường giáp hoặc suy giáp.
Nguy cơ đối với phụ nữ mang thai bị cường giáp:
- Tiền sản giật: Tăng huyết áp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến gan và thận, thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc sau sinh, có thể gây suy tim hoặc các biến chứng nguy hiểm khác.
- Nhau bong non: Khi nhau thai tách ra khỏi thành tử cung trước khi sinh, gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
- Suy tim: Suy giáp ảnh hưởng đến chức năng của tim, khiến tim không thể bơm đủ máu, dẫn đến suy tim.
- Bão tuyến giáp: Một tình trạng hiếm gặp nhưng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của mẹ và gây nguy cơ suy tim.
Nguy cơ đối với thai nhi:
- Sinh non, nhẹ cân, sảy thai, bướu cổ, phù thai, dẫn đến thai chết lưu. Trẻ sinh ra có thể bị rối loạn chức năng tuyến giáp, ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh và vận động.
Nguy cơ đối với phụ nữ mang thai bị suy giáp:
- Thiếu máu:Suy giáp làm giảm hormone cần thiết cho quá trình trao đổi chất và sản xuất hồng cầu, dẫn đến thiếu máu.
- Tăng huyết áp thai kỳ: Bắt đầu sau tuần thứ 20, do suy giáp gây ra.
- Tiền sản giật
- Nhau bong non
- Băng huyết sau sinh: Chảy máu nhiều sau khi sinh, có thể kéo dài đến 12 tuần.
- Myxedema: Một tình trạng suy giáp nặng không được điều trị, có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.
Nguy cơ đối với thai nhi:
- Sảy thai, phù thai, nhẹ cân, thai chết lưu, suy tim sung huyết. Trẻ sinh ra có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, chỉ số IQ thấp hơn, hoặc gặp các vấn đề về phát triển trí tuệ.