Vì sao phụ nữ dễ mắc bệnh lý tuyến giáp hơn nam giới?

Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn nam giới, do trải qua nhiều biến động về nội tiết tố, bao gồm: Dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, hậu sản và thời kỳ mãn kinh,…

Khoảng ⅛ phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề của tuyến giáp vào bất kỳ một giai đoạn phát triển nào. Đồng thời, nguy cơ mắc các bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ cao hơn nam giới khoảng 10 lần, với một số nguyên nhân phổ biến: 

- Rối loạn tự miễn: Rối loạn tuyến giáp thường được kích hoạt bởi các phản ứng tự miễn (hệ thống miễn dịch tự tấn công tế bào của chính mình). Phụ nữ có nguy cơ mắc tình trạng tự miễn cao hơn nam giới.  

- Thay đổi trong quá trình mang thai: Vào 3 tháng đầu của thai kỳ, hormon βhCG (human chorionic gonadotropin) tăng cao. Trong khi đó hormon βhCG lại có hoạt tính giống hormone TSH (hormon kích thích tuyến giáp), kích thích tuyến giáp tiết ra hormon thyroxin (T4), gây ra tình trạng cường giáp.  

- Sau khi sinh con: Trong thai kỳ, dưới tác động của hormone βhCG, các bệnh lý tự miễn thường ổn định. Tuy nhiên, sau khi sinh, các bệnh lý tự miễn lại dễ dàng tái phát, gây ra tình trạng viêm giáp, cường giáp.  

- Thời kì mãn kinh: Trong thời kỹ mãn kinh, có đến 50% phụ nữ xuất hiện nhân giáp hoặc đa nhân giáp lành tính. Tình trạng này hầu hết không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên, nếu những người này bổ sung lượng i-ốt nhiều thì dễ mắc bướu giáp do đa nhân hóa độc.  

Chị em nên tầm soát các bệnh lý tuyến giáp hàng năm, đặc biệt ở phụ nữ trên 20 tuổi, để có thể phát hiện, điều trị bệnh ngay từ giai đoạn chưa có triệu chứng.