1. Viêm gan B có nguy hiểm không?
Viêm gan B có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm. Trong giai đoạn đầu, viêm gan B thường không có triệu chứng rõ ràng, khiến nhiều người không biết mình đã nhiễm bệnh.
Điều này dẫn đến việc bệnh được phát hiện muộn, khi đã tiến triển thành các biến chứng nặng nề. Khi bị viêm gan B mạn tính – giai đoạn bệnh đã chuyển biến nặng, cần sự điều trị can thiệp.
Ở giai đoạn này, gan dễ gặp các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan, nặng hơn có thể là ung thư với tỷ lệ tử vong cao.
Viêm gan B là một bệnh lý nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời
2. Các giai đoạn của bệnh viêm gan B
Viêm gan B được chia thành hai giai đoạn chính là viêm gan B cấp tính và viêm gan B mãn tính. Cụ thể như sau:
2.1. Viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính là tình trạng nhiễm virus viêm gan B (HBV) trong thời gian ngắn, thường kéo dài dưới 6 tháng.
Phần lớn người lớn nhiễm viêm gan B cấp tính (khoảng hơn 95%) sẽ tự khỏi bệnh mà không cần dùng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể diễn biến nặng, cần nhập viện để điều trị hỗ trợ.
2.2. Viêm gan B mãn tính
Viêm gan B mạn tính là tình trạng nhiễm trùng gan kéo dài, khi virus viêm gan B (HBV) tồn tại trong cơ thể trên 6 tháng. Virus này tiếp tục sinh sôi trong máu và gan, âm thầm gây tổn thương gan theo thời gian.
Bệnh sẽ tiếp tục phát triển nếu không được điều trị và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm: viêm gan, suy gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong. Điều trị viêm gan B mãn tính là điều trị lâu dài, có thể kéo dài suốt đời.
Viêm gan mãn tính có thể dẫn tới xơ gan, thậm chí là ung thư gan rất nguy hiểm
3. Những đường lây nhiễm viêm gan B
Hiểu rõ các đường lây nhiễm viêm gan B sẽ giúp bạn biết cách phòng tránh bệnh hiệu quả. Những con đường chính làm lây nhiễm bệnh viêm gan B:
3.1. Lây truyền qua đường máu
Virus viêm gan B có thể lây truyền qua đường máu thông qua các hình thức:
- Tiêm chích ma túy dùng chung dụng cụ tiêm.
- Truyền máu hoặc các sản phẩm máu bị nhiễm virus viêm gan B.
- Sử dụng dụng cụ y tế không được khử trùng như kim tiêm hoặc dụng cụ phẫu thuật.
- Các thủ thuật xâm lấn không an toàn như xăm hình, xỏ khuyên, làm móng tay (nail) hoặc các thủ thuật y tế, thẩm mỹ khác không đảm bảo vệ sinh.
- Dùng chung đồ dùng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng, hoặc các vật dụng khác có thể tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người nhiễm bệnh cũng có thể lây truyền virus.
3.2. Lây nhiễm từ mẹ sang con
Bà bầu bị viêm gan B có thể lây nhiễm sang con. Tỷ lệ lây nhiễm phụ thuộc vào thời điểm người mẹ bị nhiễm bệnh. Cụ thể:
- Mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ: Tỷ lệ nhiễm vi rút sang con là 1%.
- Mắc bệnh trong 3 tháng giữa thai kỳ: Tỷ lệ nhiễm bệnh sang con là 10%.
- Mắc bệnh trong 3 tháng cuối thai kỳ: Tỷ lệ nhiễm bệnh sang con là trên 60%.
- Nếu không có biện pháp bảo vệ sau sinh: Tỷ lệ nhiễm bệnh sang cho con là 90%.
Mẹ bầu bị viêm gan B có thể lây nhiễm sang con
3.3. Lây truyền qua đường tình dục
Viêm gan B có thể lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục khác giới và đồng giới, do tiếp xúc với các chất dịch cơ thể của người bệnh như tinh dịch, dịch âm đạo hoặc máu.
Tuy nhiên, bệnh không lây lan qua các hoạt động tiếp xúc thông thường như: ôm, bắt tay, ho, hắt hơi, dùng chung các dụng cụ,…
4. Cách phòng tránh bệnh viêm gan B
Để ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B, bảo vệ sức khỏe bản thân, bạn cần áp dụng các cách phòng tránh sau:
4.1.Tiêm phòng vắc xin viêm gan B
Tiêm phòng vắc xin viêm gan B là một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa bệnh. Sau đây là các đối tượng nên đi tiêm phòng vắc xin viêm gan B:
- Tất cả trẻ sơ sinh.
- Những người dưới 19 tuổi chưa được tiêm chủng.
- Những người quan hệ với người bị viêm gan B.
- Người 6 tháng gần đây có quan hệ tình dục với nhiều người.
- Người có mối quan hệ tình dục với người đồng giới.
- Những người có nguy cơ bị nhiễm trùng do tiếp xúc với máu của người nhiễm viêm gan B như: tiêm chích ma túy, nhân viên y tế tiếp xúc cơ thể bị nhiễm bệnh, người chạy thận nhân tạo.
- Những người độ tuổi từ 19 – 59 tuổi, mắc bệnh tiểu đường.
- Từng đi du lịch hoặc du khách đến từ các nước có nhiều người mắc viêm gan B.
- Người đã từng nhiễm virus viêm gan C
- Người bị bệnh gan mạn tính
- Người nhiễm HIV
- Người có nhu cầu tiêm phòng để bảo vệ bản thân.
- Người chưa tiêm đủ các mũi viêm gan B.
Tiêm phòng là một trong những biện pháp hiệu quả ngăn ngừa bệnh viêm gan B
4.2. Các biện pháp phòng ngừa viêm gan B khác
Ngoài tiêm phòng, để phòng ngừa viêm gan B bạn có thể áp dụng các cách sau:
- Tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể: Không dùng chung kim tiêm hoặc bất kỳ dụng cụ nào có thể đã tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người bệnh. Đeo găng tay bảo vệ nếu cần chạm vào máu hoặc vết thương hở.
- Đảm bảo an toàn trong các thủ thuật xâm lấn: Khi xăm hình, xỏ khuyên, hãy chắc chắn rằng cơ sở thực hiện sử dụng các dụng cụ đã được vô trùng đúng cách.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân: Các vật dụng như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hoặc đồ cắt móng tay,… không nên dùng chung với người khác, đặc biệt là người nhiễm viêm gan B.
- Quan hệ tình dục an toàn: Thực hiện quan hệ tình dục an toàn, chung thủy và sử dụng bao cao su để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Như vậy viêm gan B có chữa được không còn phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Viêm gan B cấp tính có khả năng tự khỏi cao, trong khi viêm gan B mạn tính cần điều trị lâu dài để kiểm soát bệnh và ngăn ngừa biến chứng.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng để cải thiện tiên lượng cho người bệnh. Do đó, khi có các triệu chứng nghi ngờ, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín như Mirai Healthcare để được tư vấn, thăm khám và có liệu pháp điều trị phù hợp.